Có bao giờ bạn thắc mắc trí não phát triển đến năm bao nhiêu tuổi không? Và mất bao nhiêu năm để trí não của bạn có thể hoàn thiện? Liệu rằng trí não có thay đổi theo tuổi tác hay không? Để có đáp án cho những băn khoăn này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
1. Trí não phát triển đến năm bao nhiêu tuổi?

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của các nhà khoa học tại Đại học Ludwig Maximilian của Đức, trí não con người hoạt động mạnh mẽ khi bước vào tuổi 20, đạt đỉnh ở tuổi 35 và bắt đầu suy giảm dần từ 45 tuổi trở lên. Như vậy, khác với chiều cao, trí não của con người vẫn tiếp tục phát triển dù con người đã trưởng thành.
Theo một số nghiên cứu khác, khi bước vào tuổi trưởng thành, não bộ vẫn tiếp tục phát triển hệ thống dây thần kinh đến thùy trán, đây là khu vực có liên quan đến chức năng ngôn ngữ, vận động, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, khả năng kiểm soát hành vi của con người…
Có một số nghiên cứu suy đoán rằng, việc trí não vẫn tiếp tục phát triển khi con người trưởng thành là do sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm theo tuổi đời của họ trong quá trình học tập, làm việc, giao tiếp xã hội…
2. Giai đoạn phát triển trí não đỉnh cao của trẻ

Ngoài quan tâm về vấn đề trí não phát triển đến năm bao nhiêu tuổi, bạn cũng cần quan tâm đến các giai đoạn phát triển trí não đỉnh cao của trẻ. Những kiến thức này sẽ giúp bạn có thể nuông dưỡng, rèn luyện trẻ một cách tốt nhất, giúp trẻ phát triển tư duy, nhận thức. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, có ba giai đoạn vàng trong quá trình phát triển trí não của trẻ dưới đây.
2.1. Giai đoạn cao điểm thứ nhất: 0 – 3 tuổi
Đây là những năm đầu đời của trẻ nên cha mẹ cần theo dõi, hướng dẫn để trẻ phát triển trí não hiệu quả hơn. Giai đoạn 0-3 tuổi là độ tuổi mà trẻ tò mò với thế giới xung quanh và luôn muốn được khám phá chúng. Đây cũng là thời điểm mà trẻ rất thích bắt chước hành vi, lời nói của bố mẹ. Do đó, cha mẹ cần lưu ý lời nói, hành động của mình để giáo dục và xây dựng tính cách của trẻ.
Từ 0-3 tuổi, não bộ của trẻ có 3 chức năng chính là: Tiếp thu những kiến thức mới lạ, lặp lại và ghi nhớ chúng. Khả năng ghi nhớ của trẻ trong giai đoạn này rất nhanh, thậm chí còn cao gấp 4 lần so với người trưởng thành. Như vậy, khi trẻ đang trong giai đoạn 0-3 tuổi, cha mẹ cần chú ý lời nói, hành vi, hạn chế những lời nói và hành động xấu, thực hiện những hành động tốt để giúp định hướng tính cách, nhận thức của trẻ.
2.2. Giai đoạn cao điểm thứ hai: 5 – 7 tuổi
Giai đoạn 5-7 tuổi là giai đoạn mà tính cách của trẻ thể hiện khá đầy đủ, do đó cha mẹ cần quan sát, để ý con, từ đó có thể định hướng phát triển tính cách của con một cách tốt nhất. Trẻ ở giai đoạn này có khả năng học tập nhanh nhưng chưa thể phân biệt hết đúng sai, tốt xấu. Do đó, để giúp trẻ không học những thói hư tật xấu, cha mẹ cần quan sát con cẩn thận để kịp thời dạy dỗ, điều chỉnh.
Cha mẹ cũng nên chú ý rèn luyện thói quen sống tốt và tính tự lập cho trẻ, hướng dẫn trẻ để trí não phát triển tốt nhất. Giai đoạn này trẻ khá bướng và hay làm theo ý mình, cha mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho con, hạn chế đánh đập, chửi rủa sẽ khiến các bé bị tổn thương. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám phá thế giới xung quanh để trẻ biết thêm nhiều kiến thức mới. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho trẻ chơi cờ, xếp hình, đố vui để rèn luyện tư duy cho trẻ.
2.3. Giai đoạn cao điểm thứ ba: 8 – 10 tuổi
Giai đoạn trẻ từ 8-10 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như chán học, nổi loạn, không nghe lời và thích làm theo ý mình. Độ tuổi này cũng là độ tuổi mà trẻ hiếu thắng, có tư duy cạnh tranh cao. Trong học tập và vui chơi, trẻ luôn muốn mình là người chiến thắng. Và để chiến thắng, trẻ sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp trí não của trẻ phát triển.
Khi trẻ trong độ tuổi từ 8-10, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm đến con, giúp định hình tính cách của trẻ, hạn chế những tính cách xấu trong tương lai. Theo các chuyên gia, trước 11 tuổi là độ tuổi thích hợp để giúp trẻ rèn luyện tính cách, sau độ tuổi này sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều để điều chỉnh những thói hư tật xấu của trẻ.
3. Biện pháp giúp tăng cường trí não của trẻ

Để giúp trí não của trẻ phát triển tốt, cha mẹ cần chú trọng đến việc bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Trong chế độ dinh dưỡng, cần cung cấp đầy đủ các chất cần thiết dưới đây:
- I-ốt: I-ốt là chất có vai trò rất quan trọng với trí não. Thiếu i-ốt có thể dẫn đến bướu cổ và đần độn ở trẻ.
- Protein (chất đạm): Protein là chất có tác dụng chính trong việc xây dựng các mô, cơ quan trong cơ thể, giúp cơ thể phát triển tốt về thể chất cũng như não bộ.
- Sắt: Sắt có liên quan trực tiếp đến sự phát triển não bộ, giúp ổn định chỉ số phát triển tâm thần cũng như trí nhớ và khả năng vận động của trẻ.
- Các axit béo không no chuỗi dài: Chất béo chiếm khoảng 60% thành phần của não bộ, trong đó quan trọng nhất là DHA và ARA, hai chất này có ảnh hưởng rất lớn đến trí thông minh của trẻ.
Trên đây là một số thông tin xung quanh vấn đề trí não phát triển đến năm bao nhiêu tuổi. Bài viết cũng giúp bạn nắm được các giai đoạn vàng của sự phát triển trí não của trẻ, cha mẹ có thể dựa vào những thông tin này để giúp trẻ phát triển trí não một cách tốt nhất nhé!