Trong cuộc sống, nam giới luôn được xem là “phái mạnh”, nhất là ý nghĩ cánh đàn ông không có “những ngày đèn đỏ” như phụ nữ và tất nhiên, không bị ảnh hưởng bởi nội tiết phức tạp như phụ nữ.
Nhưng trên thực tế, nam giới cũng gặp những biến động không nhỏ về nội tiết và gây ra hiện tượng thay đổi sức khỏe do tác động của nội tiết.
Nhìn lại lịch sử một chút. Từ thế kỷ XIX, Charles Edouard Brown-Séquard (1817-1894) đã cho rằng tinh hoàn, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, gan, lá lách và thận chứa dịch tiết và có thể hữu ích trong điều trị bệnh. Trong nghiên cứu của tác giả đã khám phá ra một cụm từ “người đàn ông thời tiết”, mô tả những người đàn ông trung niên với tính cách thay đổi như: nóng giận vô cớ, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, chán nản, chất lượng cuộc sống kém, đặc biệt có những dấu hiệu giống mãn kinh của phụnữ với những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, giảm ham muốn tình dục. Vào tháng 6 năm 1889, Brown Séquard đã tự tiêm chiết xuất từ tinh hoàn chó và chuột lang vào cơ thể – ghi nhận sự thay đổi lớn về thể chất, tinh thần, đồng thời khả năng ham muốn tình dục cũng cải thiện. Brown Séquard sản xuất ra một dung dịch và đặt tên “Thuốc tiên của sự sống – Elixir of life”. Tuy nhiên một số nhà khoa học tại Mỹ đã phản đối việc sử dụng dung dịch này khi tiêm cho bệnh nhân vì ghi nhận tình trạng nhiễm trùng. Đặc biệt, năm 1939, Ruzicka và Butenandt được đề cử giải Noel cho đề tài tổng hợp testosterone. Hiện nay, theo thống kê trên thế giới có trên 90.000 đề tài nghiên cứu về anh chàng “testosterone” này.
Vậy anh chàng “testosterone” được sản xuất từ đâu trong cơ thể nam giới?
Testosterone được sản xuất chủ yếu tại tinh hoàn (95%) và một phần nhỏ tại tuyến thượng thận. Quá trình sinh tổng hợp testosterone được điều hòa bởi một cơ chế phức tạp, tinh vi không có một máy tính nào có thể thay thế được và gây ra những tác động hình thành nên những đặc tính nam giới như: râu, tóc, cơ bắp, xương khớp, chuyển hóa giọng nói cũng như các đặc tính sinh dục (bộ phận sinh dục, sản xuất tinh trùng, ham muốn tình dục, khả năng cương của dương vật).
Testosterone hoạt động đều đặn hay hoạt động có chu kỳ?
Trong nghiên cứu của Ewing (1980), cho thấy nồng độ testosterone không ổn định trong ngày cũng như trong năm. Nồng độ testoterone bắt đầu tăng cao khoảng 5 giờ sáng và đạt đỉnh cao trong ngày khoảng 10 giờ – 11 giờ, sau đó giảm dần, đến 18 giờ đạt điểm thấp nhất trong ngày, sau đó là một quá trình tăng nồng độ testoterone. Cũng qua nghiên cứu này, nồng độ testosterone trong năm đạt đỉnh cao vào tháng 9 và sau đó giảm từ từ.
Như vậy, testoserone cũng có một chu trình suy giảm như nội tiết của phụ nữ. Sau 40 tuổi, nội tiết tố testosterone bắt đầu có dấu hiệu suy giảm và biểu hiện bằng những dấu hiệu lâm sàng – có những nét tương đồng như mãn kinh ở phụ nữ.
Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng trong suy giảm testosterone ở nam giới
• Phát triển sinh dục chậm hay không đầy đủ, kiểu thiếu hormon sinh dục nam.
• Giảm ham muốn tình dục (libido), giảm cương tự nhiên.
• Khó chịu ở vú, vú to.
• Mất lông, giảm tần số cạo râu.
• Tinh hoàn nhỏ hay teo.
• Số lượng tinh trùng thấp hoặc không có.
• Giảm chiều cao, gãy xương khi chấn thương nhẹ, BMD thấp.
• Cơn đỏ bừng, vã mồ hôi.
• Giảm động lực hay năng lượng.
• Khí sắc trầm.
• Kém tập trung và kém trí nhớ.
• Rối loạn giấc ngủ, hay buồn ngủ.
• Thiếu máu nhẹ.
• Giảm khối cơ, sức mạnh.
• Tăng mỡ, BMI.
• Giảm khả năng làm việc và thể lực.
Testosterone đóng vai trò gì trong cơ thể nam giới?
Hiện tại có rất nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa suy giảm testosterone và các bệnh lý rối loạn chuyển hoá, tiểu đường, bệnh lý mạch máu, tim mạch, rối loạn giấc ngủ liên quan đển suy giảm testosterone, cải thiện nhận thức cũng như rối loạn tình dục ở nam giới.
Trong nghiên cứu của HIM (nam giới từ 45 tuổi trở lên) nhận thấy, 40% bệnh nhân béo phì và 50% bệnh nhân nam béo phì bịtiểu đường type 2 có nồng độ testosterone thấp. Mối liên quan giữa suy giảm testosterone và bệnh lý tim mạch được cho rằng do mối quan hệ giữa hội chứng rối loạn chuyển hóa, tiểu đường với suy giảm nồng độ testosterone trong máu, mối quan hệnghịch chiều giữa nồng độ testosterone với xơ vữa động mạch chủ, điều này đã được minh chứng trong nghiên cứu Rotterdam. Nồng độ testosterone tự do luôn luôn đồng hành với phình động mạch chủ bụng ở nam giới từ 70 – 88 tuổi.
Trong nghiên cứu của Rancho Bernado, theo dõi các bệnh nhân nam từ 50 – 91 tuổi – được theo dõi trong 20 năm, nồng độtestosterone tỷ lệ nghịch với cân nặng, chỉ số khối cơ thể, huyết áp, nồng độ đường và insulin. Đồng thời nguy cơ tử vong là 40% không phụ thuộc vào tuổi, béo phì, lối sống (thuốc lá, tập thể dục,…).
Suy giảm testosterone đến nay đã được Hội Y Học Giới Tính Thế Giới, Hội Nội Tiết Thế Giới đồng thuận: Giảm testosterone ở nam giới đã có những bằng chứng khoa học và điều trị bổ sung nội tiết tố nam là cần thiết để cải thiện sức khỏe nam giới và tăng chất lượng cuộc sống.