Cha mẹ nào cũng muốn con cao lớn. Nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc để con phát triển chiều cao tối đa. Dưới đây là những điều mà các mẹ nên tránh để giúp trẻ cao lớn hơn:
Cho trẻ ăn quá nhiều thịt bò
Mặc dù thịt bò có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng không nên cho trẻ ăn liên tục quá nhiều. Thịt bò chứa hàm lượng cholesterol cao và có khả năng gây rối loạn sức khỏe, ảnh hưởng đến trọng lượng và chiều cao nếu trẻ tiêu thụ chúng thường xuyên.
Để bé nằm ‘hình con tôm’ quá nhiều
Một số trẻ thích nằm co quắp hình con tôm khi ngủ, một số lại thích nằm sấp, tất cả những tư thế đó về lâu về dài đều không tốt cho trẻ, nhất là ở giai đoạn mới lớn, khi khung xương đang phát triển thành hình. Hãy đảm bảo bé luôn được đứng và ngồi đúng tư thế. Đừng để con nằm quá lâu và cũng đừng để bé ngồi gù lưng, cúi mặt nhiều quá.
Cho con ăn quá nhiều đồ ngọt
Nhiều người cho rằng đồ ngọt chỉ hại ở chỗ khiến trẻ dễ bị sâu răng. Tuy nhiên, bánh kẹo, nước ngọt, bánh gato, socola… tưởng ngọt ngào hóa lại là kẻ thù của chiều cao trẻ. Chúng không chỉ kích thích quá trình chuyển hóa đường thành mỡ gây béo phì, mà còn làm giảm khả năng hấp thụ canxi khiến trẻ có khả năng bị lùn.
Nấu cải bó xôi cùng với hải sản
Đậu, khoai lang và cải bó xôi là những thực phẩm có chứa rất nhiều axit Phytic. Axit này sẽ liên kết với canxi trong cơ thể tạo thành muối. Kết quả là canxi chẳng được hấp thụ vào cơ thể bé mà thậm chí cơ thể trẻ sẽ còn ‘trục xuất’ các hợp chất muối này dưới hình thức chất thải. Do đó khi nấu đậu, cải bó xôi… đừng dùng chung với hải sản giàu canxi.
Chỉ ninh xương nấu cháo cho trẻ
Canxi trong canh xương tuyệt đối không dễ bị hòa tan. Sau khi ninh một nồi xương trong nồi áp suất khoảng 2 giờ đồng hồ, chất béo trong tủy xương lần lượt nổi lên, nhưng canxi trong nước xương vẫn rất ít. Vì vậy quan điểm cứ ăn nhiều canh xương thì sẽ có đủ canxi để tăng chiều cao cho trẻ là không đúng.
Độ tuổi sinh con của bố
Như chị em đã biết, phần lớn chiều cao của trẻ có được là do di truyền. Tuy nhiên, độ tuổi thụ thai của người bố cũng ảnh hưởng đến chiều cao của con. Trẻ em có bố từ 31 tuổi trở lên tại thời điểm thụ thai có chiều cao trung bình cao hơn 2 cm so với những bé có bố trẻ tuổi.
Lùn vì tiêu chảy, giun sán, rối loạn tiêu hóa
Những bệnh như tiêu chảy, giun sán, rối loạn tiêu hóa ở trẻ nếu không được kịp thời chữa trị cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị lùn. Kết quả điều tra cho thấy, trong khoảng 2 năm đầu đời nếu trẻ bị 7 đợt tiêu chảy thì đến lúc 7 tuổi trẻ sẽ thấp hơn 3,6 cm so với các bạn cùng tuổi không nhiễm bệnh.
Cho con ăn quá nhiều váng sữa
Việc ép con ăn nhiều váng sữa quá mức có thể sẽ khiến trẻ bị mất cân bằng dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến thói quen ăn cũng như sức khỏe của trẻ sau này. Váng sữa không thể thay thế sữa, nhất là sữa mẹ, vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm trong váng sữa rất thấp. Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ, trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu…
Cho con ăn quá no trước khi đi ngủ
Cho con ăn quá no trước khi đi ngủ cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị lùn. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng, việc cho con ăn no trước khi ngủ sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt, nhất là về chiều cao. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, đây là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm.