Việc cha mẹ có kiến thức trong việc chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách là để phối hợp điều trị với bác sĩ tốt hơn, chứ chúng ta không thể thay thế bác sĩ được. Trong 1 số trường hợp trẻ ốm không cần đến gặp bác sĩ, nhưng do cha mẹ còn hạn chế về kiến thức chăm sóc trẻ dẫn đến việc con đang bệnh nhẹ, đến bệnh viện bị lây nhiễm chéo khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Làm thế nào để cho trẻ không bị bệnh?
Dễ lắm, cho trẻ ở suốt trong nhà, không cho ra ngoài, nhà cửa sạch sẽ, vô trùng tuyệt đối, không được tiếp xúc với ai đi ngoài đường về, mẹ cũng không được đi ra đường vì sẽ lây cho con. Nhưng trên đời có ai nuôi con vậy không? 100% là không, cho nên không thể có chuyện trẻ không bị bệnh. Trước sau gì chúng cũng bệnh, chúng phải bệnh để chúng lớn lên, bắt buộc phải vậy, không khác được. Có chăng là các bậc cha mẹ nên cố gắng để trẻ ít bị bệnh, và bị bệnh khi trẻ đã lớn thì càng tốt, vì trẻ nhỏ quá bị bệnh thì không biết diễn đạt cho chúng ta biết là nó đang đau ở đâu, đang khó chịu như thế nào, làm cho chúng ta phải suy đoán rất khổ sở.
Trước hết, phải nhấn mạnh một điều: Sốt không phải là bệnh, sốt là một triệu chứng khi trẻ bệnh (kèm ho, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy…). Sốt là phản ứng có lợi, giúp cơ thể trẻ tống các mầm bệnh ra ngoài và khỏi bệnh. Uống thuốc hạ sốt không trị được bệnh nền, mà chỉ làm trẻ dễ chịu trong thời gian ngắn, sau đó lại quay về nhiệt độ cũ nếu bệnh vẫn còn. Cũng giống như nồi nước trên cái bếp lửa, lửa không tắt mà cứ bỏ nước đá vào nồi để mong nước mau nguội vậy.
Trẻ bệnh là do bị virus (còn gọi là siêu vi) hay vi khuẩn xâm nhập, virus nhỏ hơn vi khuẩn. Tỉ lệ bệnh đa số là do virus, rất ít trường hợp do vi khuẩn. Kháng sinh chỉ dùng khi bị vi khuẩn, còn bị virus thì sau 1-2 tuần, trẻ sẽ tự khỏi. Thậm chí, có một số trường hợp bệnh do vi khuẩn, vẫn không cần kháng sinh và tự khỏi. Chẳng hạn như tiêu chảy, vi khuẩn theo phân lỏng thải ra ngoài và khỏi bệnh. Kháng sinh rất cần thiết, nhưng không được lạm dụng tùy tiện, sẽ dẫn đến tình trạng lờn kháng sinh, rất nguy hiểm.
Khi bị mầm bệnh xâm nhập, cơ thể trẻ sẽ nóng lên (sốt), mục đích là để tiêu diệt các con virus. Bệnh nặng hay nhẹ không căn cứ vào nhiệt độ sốt, mà căn cứ vào biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ sốt cao mà vẫn ăn được ngủ được, phản xạ tốt… thì vẫn an toàn. Ngược lại, cho dù trẻ sốt không cao, nhưng lừ đừ bỏ ăn bỏ uống, quấy khóc liên tục, phản xạ kém… thì lại rất nguy hiểm. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy đưa con đến ngay bác sĩ.
Vắc xin cũng được sản xuất theo nguyên lý đó. Vắc xin là những con virus được làm giảm động lực (đã yếu), đưa vào cơ thể trẻ để nó diệt con virus đã bị làm yếu đó rồi tự tạo ra sức đề kháng về sau. Đó là lý do mà sau khi tiêm vắc xin trẻ bị sốt nhẹ, đó là dấu hiệu bình thường.
Còn về ho, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy. Nguyên lý nó cũng tương tự như sốt. Ho là phản xạ để tống virus ra, sổ mũi cũng để tống virus ra, nôn mửa và tiêu chảy cũng thế. Khi virus bị tống ra ngoài, trẻ sẽ khỏi bệnh, các triệu chứng trên cũng kết thúc. Cho nên đó là các triệu chứng có lợi, cha mẹ đừng cố tìm các loại thuốc để ngăn chặn các triệu chứng đó lại, chẳng những không giải quyết được bệnh nền, mà còn cản trở quá trình khỏi bệnh của trẻ. Riêng với trẻ bị ho nhiều quá, có thể cho uống mật ong để làm dịu cơn ho (làm dịu thôi, mật ong không trị ho, mà ho cũng không phải là bệnh thì sao mà trị). Lưu ý trẻ dưới 1 tuổi tuyệt đối không dùng mật ong. Sổ mũi thì rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nôn mửa và tiêu chảy (còn gọi là nhiễm trùng đường tiêu hóa) thì nhớ cấp nước thường xuyên cho trẻ, nước điện giải thì càng tốt. Mặc đồ thoáng mát cho trẻ, nhà có máy lạnh thì cứ mở, trẻ sẽ dễ chịu hơn, đừng có lôi trẻ dậy mà lau mát, nó muốn được nghỉ ngơi hơn, lau mát không giải quyết được vấn đề đâu.
Mỗi lần trẻ bệnh và tự khỏi như vậy, sức đề kháng của trẻ sẽ ngày càng lên level. Thử tưởng tượng cơ thể trẻ cũng như một chiến binh, cần được rèn luyện trải qua các trận mạc, đối đầu với các loại quân thù để nâng cao sức chiến đấu. Sau khi đánh thắng một loại giặc, lần sau đúng loại giặc đó quay lại thì sẽ bị tiêu diệt dễ dàng trong một nốt nhạc. Còn nếu gặp loại giặc khác thì lại phải chiến đấu để lấy kinh nghiệm tiếp. Cơ thể con người cũng chiến đấu như vậy để nâng cao sức đề kháng, miễn dịch cho đến khi trưởng thành. Vậy thôi.
Vậy làm sao để phân biệt bệnh do virus hay vi khuẩn để mà dùng kháng sinh đúng lúc?
Phải đến bác sĩ xét nghiệm máu thì mới xác định được trẻ bị bệnh do virus hay vi khuẩn, thường thì bệnh do virus sẽ kéo dài dưới 2 tuần, còn kéo dài trên 2 tuần thì có thể do vi khuẩn và phải dùng kháng sinh điều trị. Cha mẹ đừng quá lo lắng như: ho nhiều sẽ bị viêm phổi, sổ mũi nhiều sẽ bị viêm xoang, nôn mửa tiêu chảy nhiều sẽ bị viêm dạ dày, ho viêm họng không được uống nước đá và ăn kem, đồ lạnh. Khi nắm bắt được tình trạng bệnh cụ thể của con, kết hợp với hiểu biết và chỉ dẫn của bác sĩ, con sẽ sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh.
Ngoài ra, ho và sổ mũi khi có dịch đờm xanh đặc, đó là trẻ sắp khỏi bệnh. Cha mẹ nên mừng thay vì lo nhé, đa số chúng ta cứ thấy chất nhầy đặc đó xuất hiện thì lại cứ tưởng bệnh đang biến chứng nặng thêm. Nhưng sự thật thì ngược lại. Và điều quan trọng nữa là không cạo gió cho trẻ với tất cả các loại bệnh.