Tiểu đường có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người lo lắng, thắc mắc về vấn đề bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm, tuổi thọ có ngắn không.
1. Bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm?

Theo số liệu của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, mỗi 1 giây trôi qua có 1 người tử vong vì biến chứng tim mạch do tiểu đường, cứ mỗi 6 giây trôi qua có một người cụt chi vì biến chứng tiểu đường, mỗi 20 giây trôi qua có 1 người mù do biến chứng ở mắt khi mắc bệnh tiểu đường.
Như vậy, có thể thấy rằng, số người tử vong vì tiểu đường chủ yếu là do các biến chứng tiểu đường gây nên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một nghiên cứu chính cụ thể nào xác định được chính xác bệnh tiểu đường sống được bao lâu, do đó không thể đưa ra một con số cụ thể cho câu hỏi này. Theo Hiệp hội tiểu đường Anh Quốc, có sự khác biệt về tuổi thọ giữa người mắc tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Cụ thể:
- Người bị tiểu đường tuýp 1: Tuổi thọ trung bình khoảng 63 – 65 tuổi, ít hơn 20 năm so với người bình thường. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, nam giới có thể bị suy giảm khoảng 11 tuổi, nữ giảm 13 tuổi nếu mắc tiểu đường tuýp 1.
- Người mắc tiểu đường tuýp 2: Người bị tiểu đường tuýp 2 có tuổi thọ cao hơn so với người bị tiểu đường tuýp 1. Nếu so với người thường, tuổi thọ của người mắc tiểu đường tuýp 2 chỉ ít hơn khoảng 5-10 năm. Tuổi thọ của người bệnh còn tùy theo cách mỗi người đối phó với tiểu đường như thế nào, có chủ động điều trị không, có chủ động phòng ngừa các biến chứng của bệnh hay không.
2. Cách ngăn ngừa biến chứng để tăng tuổi thọ

Theo các bác sĩ và các chuyên gia về tiểu đường, cách tốt nhất để tăng tuổi thọ cho người bệnh tiểu đường là kiểm soát đường huyết và phòng ngừa các biến chứng do tiểu đường gây nên. Dưới đây là một số biện pháp giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường mà bạn có thể áp dụng.
2.1. Chế độ ăn uống hợp lý
Quan trọng nhất trong chế độ ăn uống của người tiểu đường là hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường vì chúng có thể làm tăng đường huyết, bao gồm cơm, bún, phở, bánh mì, bánh quy, kẹo, mứt…
Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường nên tăng cường ăn rau xanh và các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, chúng có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu tại niêm mạc ruột, ví dụ như: yến mạch, khoai lang (ăn ít), gạo lứt… để phòng tránh tình trạng đường huyết tăng cao.
2.2. Vận động thường xuyên
Luyện tập thể dục thể thao, vận động cơ thể với cường độ hợp lý sẽ giúp bạn giữ cân, giữ dáng và nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng tiêu thụ đường của cơ thể, giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng.
Bạn có thể lựa chọn một số bài tập như: đi bộ, yoga, ngồi thiền, thái cực quyền, đạp xe… Mỗi tuần nên vận đồng đều đặn mỗi ngày hoặc ít nhất 5 ngày/tuần để đẩy lùi bệnh tật.
2.3. Duy trì cân nặng
Béo phì là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng kháng insulin do tuyến tụy sản sinh ra, càng nhiều mô mỡ thì càng có nhiều tế bào kháng insulin, từ đó khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể cũng bị suy giảm. Duy trì cân nặng ở mức vừa phải hoặc giảm cân là điều cần thiết nếu bạn không muốn mắc phải các biến chứng tiểu đường.
Khi trọng lượng cơ thể giảm, khả năng sản xuất ra insulin của tuyến tụy cũng bắt đầu trở lại. Chính vì vậy, người thừa cân, béo phì khi mắc bệnh tiểu đường cần có một chế độ luyện tập, ăn uống khoa học và lành mạnh để giảm trọng lượng, giúp kiểm soát đường huyết và tăng tuổi thọ trung bình.
2.4. Từ bỏ các thói quen xấu
Các thói quen xấu như ngủ không đủ giấc, thức khuya, hút thuốc lá, ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu… là những thói quen xấu cần loại bỏ nếu bạn muốn sống lâu khi mắc bệnh tiểu đường.
2.5. Thăm khám định kỳ
Thăm khám định kỳ sẽ giúp bạn được tư vấn kỹ lưỡng bởi bác sĩ, được uống thuốc và tuân theo phác đồ điều trị phù hợp. Khi thăm khám, bạn sẽ được kiểm tra chỉ số đường huyết, mỡ máu, huyết áp…từ đó giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập, uống thuốc phù hợp.
Không tự ý bỏ thuốc hoặc tăng giảm liều, không hủy bỏ lịch hẹn với bác sĩ, đây là có thể là những nguyên nhân khiến tuổi thọ của bạn bị rút ngắn khi mắc bệnh đái tháo đường.
Bệnh tiểu đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí còn gây tử vòng, đó là lý do vì sao nhiều người cảm thấy lo sợ, băn khoăn về việc bệnh tiểu đường sống được bao nhiêu năm. Ngay từ lúc này, bạn hãy bắt đầu phòng tránh bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt một cách khoa học để tránh cho tuổi thọ bị suy giảm nhé.